ĐÔI CHÚT SUY NGHĨ VỀ VIỆC YÊU CẦU TÀI KHOẢN MẠNG XÃ HỘI PHẢI ĐỊNH DANH

Theo thông tin vào ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh. Mục đích của việc này nhằm hạn chế các hành động lừa đảo trên mạng xã hội. Ta thấy chính phủ đã bắt đầu quan tâm đến loại tệ nạn hoành hành xuyên suốt mấy năm qua. Tuy nhiên, có vẻ cách làm vẫn chưa thật sự triệt để và tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Song song đó tiềm tàng một làn sóng phản đối mới đến từ người dùng.

Trước hết hãy nói về việc định danh để xác thực tài khoản

Câu hỏi là làm như thế nào trong khi phần lớn các trang mạng xã hội đều đặt máy chủ tại nước ngoài!? Nên nhớ rằng, những công ty này đều không phải chủ quản của doanh nghiệp nhà nước. Luật chúng ta đưa ra họ có thể tuân theo hoặc không tuỳ theo mức độ. Chính phủ có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet chặn người dùng truy cập đến website của họ. Nhưng ở chiều ngược lại, người dùng hoàn toàn có thể sử dụng công cụ để lách việc đó dễ dàng. Ngoài ra, những mạng xã hội này cũng áp dụng chiêu thức nhằm hỗ trợ truy cập riêng cho người dùng Việt Nam.

Hãy nhớ rằng trước đó hơn thập kỷ, cúng ta đã từng chặn Facebook. Vậy kết quả việc này như thế nào?

Người dùng có thể truy cập bằng những tên miền phụ do facebook cung cấp. Ngoài ra có thể đổi DNS hoặc truy xuất từ một đường mạng trung gian khác một cách dễ dàng. Chưa kể nhiều cuộc họp, diễn đàn người Việt tổ chức cũng được tổ chức nhằm phản đối điều này. Sau cùng thì bây giờ, chúng ta vẫn truy cập vào facebook bình thường.

Facebook từng bị chặn tại Việt Nam - nguồn: internet
Facebook từng bị chặn tại Việt Nam – nguồn: internet
Cùng quay lại việc định danh

Như đề xuất, chỉ duy nhất tài khoản được định danh mới có thể đăng bài, livestream, đăng tải nội dung,… Các tài khoản chưa được định danh thì chỉ được quyền xem. Chính phủ liệu sẽ yêu cầu được việc này cho các trang mạng xã hội? Thậm chí nếu các trang này đồng ý, thì việc thực tế hoá nó cũng vô cùng phức tạp và cần thời gian hoàn thiện với một hệ thống web đa quốc gia.

Chưa kể liệu người dùng có thật sự muốn như vậy khi nó tạo sự bất tiện và khó chịu? Ví dụ, bạn tạo tài khoản facebook để sử dụng cá nhân làm kênh liên lạc, chia sẻ thông tin cho người thân và bạn bè. Giờ đây phải thực hiện nhiều thao tác phức tạp để định danh sau đó mới được đăng bài. Như vậy không khác gì đang đi ngược với tính tiện dụng mà các nền tảng này trước đó mang lại. Với cá nhân mình, nếu luật này được áp dụng thì thà bỏ luôn mạng xã hội còn hơn.

Nếu quy định này thông qua, mạng xã hội sẽ không còn đúng với tên gọi của nó nữa. Nó bị biến dạng thành một kênh bán hàng như Lazada hay Shopee. Bộ Thông tin truyền thông hình như đang có sự nhầm lẫn với mục đích người dùng trên các nền tảng này. Xin lưu ý rằng không phải ai dùng mạng xã hội cũng để lừa đảo, cũng như kinh doanh hay buôn bán.

Thách thức về kiểm soát

Gần đây ta có thể thấy đợt truy quét sim rác diễn ra rất quy mộ và rầm rộ. Chính phủ cũng yêu cầu các thuê bao phải đăng ký chính chủ mới được sử dụng. Nhưng có vẻ, nó vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Cá nhân mình và một số người xung quanh vẫn nhận được tin nhắn rác và một số cuộc gọi lừa đảo. Nhiều sim được đăng ký trước, rồi bán lại cho người khác vẫn được sử dụng bình thường. Với mình, cách tự phòng vệ tốt nhất là kiểm tra số điện thoại liên lạc, sau đó tra cứu thông tin để nhận định lừa đảo hay không.

Nhiều vấn đề cần được xử lý trước khi đưa vào thực tiễn - nguồn: internet
Nhiều vấn đề cần được xử lý trước khi đưa vào thực tiễn – nguồn: internet

Tương tự với quyết định định danh trên mạng xã hội lần này. Nếu có thực hiện được thì vấn đề kiếm soát nó là vô cùng khó và phức tạp. Nó đã khó ngay từ khâu bắt đầu, làm như thế nào để thoả đáng giữa việc chống lừa đảo và đảm bảo lợi ích cho các kênh mạng xã hội. Chúng ta đang đưa ra một yêu cầu mà bên mạng xã hội họ hoàn toàn không muốn cũng như có lý do chính đáng để từ chối.

Tôi tạo nền tảng, sử dụng như thế nào là quyền tự do của mỗi người, tôi phối hợp khoá, xoá page lừa đảo theo danh sách yêu cầu của chính phủ, nhưng chính phủ không thể yêu cầu tôi làm khó người dùng chung được.

Ngoài ra mình sẽ list lại những vấn đề dưới đây:

  • Làm sao để định danh chính xác được người dùng, chúng ta sẽ dựa trên những cơ sở nào?
  • Làm sao phân loại được giữa tài khoản dùng cá nhân và tài khoản dùng cho buôn bán, kinh doanh?
  • Làm sao để kiểm soát được nội dung đăng tải của người đã được định danh?
  • Làm sao để chắc chắn toàn dân Việt Nam, ai đang sử dụng mạng xã hội đều đã được định danh tài khoản?
  • Làm sao để kiểm soát được tài khoản định danh người nước ngoài?
  • Làm sao để bắt ép được toàn bộ công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải định danh người dùng cho người Việt?
  • Làm sao chắc chắn được người đăng tin lừa đảo là chủ sở hữu của tài khoản được định danh?
  • Và còn nhiều vấn đề khác…

Ngoài ra, với mình thì đề xuất định danh này đã quá trễ. Mọi người có biết được rằng thông tin cá nhân chúng ta đã và đang được mua bán tràn lan trên mạng không? Số điện thoại mình từng bị người khác lợi dụng với nhiều mục đích khác nhau, ngay cả người quen cũng có thể âm thầm lấy các thông tin đó để trục lợi. Đôi lúc sẽ không khó khi bạn vô tình nhìn thấy một, hoặc rất nhiều tài khoản ảo sử dụng tên và hình ảnh cá nhận của bạn. Với mình, thì đây sẽ là trải nghiệm không hề vui, thậm chí bế tắc khi vô tình bị khép tội lừa đảo bởi tài khoản mạo danh, nếu nó đã được định danh trước đó. Chính vì vậy, việc những thông tin bị lộ sẽ càng gây khó khăn trong vấn đề định danh cho từng người.

Tiềm ẩn rủi ro tác dụng ngược, thậm chí phát sinh thêm những dịch vụ lừa đảo khác

Có thể thấy, đề xuất này hiện tại dù chưa được thông qua. Tuy nhiên, các dịch vụ tạo stick xanh trên facebook, tiktok,… đã ra đời từ sớm. Vậy nếu nó được thông qua thì sao? Rõ ràng, không có gì đảm bảo được kẻ xấu không lợi dụng kẻ hở, sau đó sản sinh thêm nhiều loại hình dịch vụ ăn theo khác. Những loại hình dịch vụ này sẽ tạo thêm những ngành nghề mới, thay vì đem lại cái tốt cho xã hội, thì những ngành nghề này sẽ tiếp tay kéo xã hội đi xuống.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh với các hình thức lừa đảo mới - nguồn: internet
Tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh với các hình thức lừa đảo mới – nguồn: internet

Một trường hợp khác cần phải lưu ý thêm. Chúng ta nói định danh để chống lừa đảo, ai lừa đảo sẽ dễ dàng truy vết ngay. Vậy một trường hợp rủi ro như bạn vô tình bị mất hoặc bị hack tài khoản thì sao? Nếu ta tạo cho mọi người lòng tin về tài khoản định danh đó, vậy nếu những bài lừa đảo từ chính những tài khoản này không phải đến từ chính chủ sẽ như thế nào?

Mình có một câu chuyện như vầy. Anh bạn mình vô tình bị hack mất tài khoản facebook, sau đó tài khoản này gửi tin nhắn cho tất cả mọi người rằng đang bị tai nạn giao thông, cần gấp 5 triệu để ứng tiền đóng bệnh viện. Vào thời điểm hiện tại thì mọi người sẽ kiểm tra lại để xác nhận đúng sự thật không, ngoài ra thì sẽ tra lại thông tin tên tài khoản người nhận. Tuy nhiên, nếu là tài khoản định danh, thì lòng tin với nó sẽ lớn hơn, vậy không phải nó càng dễ bị lợi dụng để lừa đảo hơn sao. Và xin chúc mừng, sẽ có một nhóm hacker underground nào đó, thường xuyên nghiên cứu để tìm cách hack mạng xã hội người khác.

Kết

Thật ra mạng xã hội không hề xấu. Sự tồn tại của chúng đem lại nhiều điều tích cực, hiển nhiên cũng có tiêu cực. Nhưng nếu đặt hai việc này lên bàn cân, thì liệu hy sinh lợi ích mà nhóm nền tảng này mang lại liệu có đáng. Ta có thể thấy, bản chất của con dao không xấu, nó nằm trong tay người đầu bếp thì sẽ tạo ra nhiều món ăn ngon; nhưng nếu nằm trong tay kẻ làm điều ác, thì bất hạnh sẽ xảy đến. Quan trọng không phải là công cụ, mọi cái xấu đều đến từ hành động của con người. Ở đây, con người mới chính là vấn đề. Thay vào đó, hãy thử tạo ra nhiều chương trình giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức người dân về đối tượng và hành vi lừa đảo. Nếu làm được như vậy, thì mình nghĩ cộng đồng sẽ có cái nhìn tích cực hơn về điều này. Cũng thật sự vui vì chính quyền đang hành động để bảo vệ người dân của mình.

Nếu ta đào tạo và giáo dục tốt con người, thì sẽ không ai làm điều xấu. 

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *